Lượt xem: 170

Nông dân Sóc Trăng hướng đến việc dừng sản xuất lúa vụ 3

Là địa phương ven biển, được nhận định chịu ảnh hưởng nặng bởi tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn trong niên vụ sản xuất 2019-2020, song nhờ sự chủ động trong công tác tuyên truyền, sự phối hợp tốt và nhịp nhàng giữa các cấp chính quyền và người dân, nhiều diện tích sản xuất của nông dân Sóc Trăng đã tránh được thiệt hại. Đặc biệt hơn là nông dân ở nhiều địa phương có "truyền thống" làm lúa vụ 3 của tỉnh Sóc Trăng đã chủ động không sản xuất theo khuyến cáo của ngành chức năng để tránh những thiệt hại đã được dự báo trước đó.

    So với hàng năm, vụ lúa Đông Xuân năm nay tỉnh Sóc Trăng xuống giống sớm hơn khoảng 1 tháng để đảm bảo thu hoạch trước khi chịu ảnh hưởng của hạn mặn. Theo đó, đến nay đã có hơn 81.000 ha được thu hoạch trong tổng diện tích hơn 185.000 ha xuống giống, năng suất bình quân đạt hơn 6,3 tấn/ha. Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng còn chủ động khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa vụ 3, nhất là những nơi điều kiện nguồn nước khó khăn, vùng ven biển.

Nông dân huyện Mỹ Xuyên thu hoạch lúa vụ 2 với niềm vui trúng mùa. Ảnh Chanh Đa

    Theo chia sẻ của ông Dương Thanh Tùng - nông dân ở ấp 4, thị trấn Long Phú, tất cả 25 công (mỗi công 1.000m2) lúa vụ Đông Xuân đều được thu hoạch trước Tết Nguyên đán. Trong vụ 3 này, ông không sản xuất để tránh thiệt hại, vì nghe ngành chức năng của địa phương khuyến cáo là ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn. Còn theo anh Trà An Điều ở xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên chia sẻ, năm nay gia đình chủ động không làm vụ 3, chỉ làm 2 vụ cho chắc. Vì hiện tại nước trong kênh nội đồng đã cạn, theo dự đoán của anh, khoảng 1 tháng nữa thì không còn nước để bơm lên đồng khi mà lúa đang trong giai đoạn phát triển.

    Tại huyện Long Phú, một trong những địa phương có diện tích xuống giống vụ 3 lớn của tỉnh Sóc Trăng, do ảnh hưởng của hạn hán và mặn xâm nhập, nên diện tích xuống giống tại địa phương này trong năm nay đã giảm xuống hơn 4 lần so với năm ngoái. Nếu năm ngoái lúa vụ 3 tại địa phương gieo sạ hơn 15.000 ha, thì năm nay đã giảm xuống chỉ còn 3.700 ha. Theo ông Lâm Văn Vũ, ngay từ đầu năm Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện khuyến cáo bà con nông dân trên địa bàn huyện không sản xuất lúa vụ 3. Đài truyền thanh huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền để cho bà con nắm được tình hình hạn hán xâm nhập mặn sẽ đến sớm và sâu vào nội đồng. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng thực hiện nạo vét trên 23 công trình thủy lợi để trữ nước phục vụ cho sản xuất, cũng như là nước sinh hoạt.

    Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, đến nay, các diện tích lúa trong kế hoạch chỉ đạo xuống giống đều đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, cũng có khoảng 1.000 ha lúa vụ 3 đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán và mặn xâm nhập, do người dân không tuân thủ theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, vẫn bất chấp làm lúa vụ 3 và hiện nhiều diện tích đã bị mất trắng trong giai đoạn từ 20-30 ngày tuổi. Ngoài ra, còn khoảng 600 ha lúa tại vùng Dự án Long Phú - Tiếp Nhựt và khoảng 5.000 ha cây ăn trái, rau màu có khả năng thiếu nước nếu tình hình hạn hán và mặn xâm nhập tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.

    Đồng chí Lương Minh Quyết - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng thông tin, đối với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, Sóc Trăng được xác định là 1 trong 7 tỉnh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Công tác phòng, chống hạn mặn của năm 2019-2020 này cũng được đúc rút từ kinh nghiệm trong công tác chống hạn mặn cực đoan diễn ra hồi năm 2015-2016. Theo đó, trong đợt mặn năm 2015-2016, tỉnh Sóc Trăng đã bị ảnh hưởng trên 30.000 ha gồm cả lúa, cây ăn trái và hoa màu. Đây được xem là một thiệt hại rất là lớn đối với ngành Nông nghiệp tỉnh. Từ thực tế của hạn mặn trên, trong vụ Đông Xuân năm 2019-2020 này, ngay từ đầu năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ đạo Sóc Trăng phải tập trung quyết liệt và chuẩn bị cho vụ Đông Xuân an toàn. Vì thế, ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo và khuyến cáo bà con nông dân trong tỉnh xuống giống sớm hơn lịch thời vụ hàng năm 1 tháng, để thời điểm thu hoạch vụ Đông Xuân chính vụ đúng vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện công tác nạo vét và kiên cố hóa công trình thủy lợi để phục vụ cho sản xuất. Trước sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành Nông nghiệp, tin rằng người dân sẽ không còn sản xuất lúa vụ 3 nữa và thực tế diện tích lúa vụ 3 năm nay trên địa bàn tỉnh đã giảm đi rất nhiều, bởi nông dân đã biết được những diễn biến cực đoan của tình hình hạn mặn từ trong quá trình sản xuất.
Chanh Đa


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 53
  • Hôm nay: 3133
  • Trong tuần: 72,466
  • Tất cả: 11,866,493